Tượng Đức Pháp Vân Phật

Pháp Vân là một trong Tứ Pháp trong tín ngưỡng văn hóa của người Việt Nam, là kết quả của sự dung hòa của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Tượng Pháp Vân hiện nay được thờ ở chùa Keo còn được địa phương hóa bằng tên gọi bà Keo, từ câu chuyện truyền rằng tại vùng đất cổ Luy Lâu, khi 4 pho Tượng: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện được tạc xong thì còn thừa một mẩu gỗ nhỏ nhất ở phần ngọn, người thợ tạc tượng đã tạc thành một pho tượng Pháp Vân nhỏ hơn. Các pho tượng trước được chia về các chùa vùng Luy Lâu và đặt tên nôm theo tên làng là: Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn, còn pho tượng nhỏ nhất làng Keo rước về thờ và gọi là Bà Keo (hóa thân của chị cả Pháp Vân).

Tượng Pháp Vân mang ý nghĩa biểu tượng cho tín ngưỡng phồn thực của người dân vì trong hệ thống Tứ Pháp là các hiện tượng tự nhiên gắn liền với nông nghiệp.

Ở chùa Keo, tượng Pháp Vân được xây dựng dựa trên khuôn mẫu của Bồ Tát và Phật ngồi xếp bằng trên hoa sen, tượng có màu đỏ rực.

Như vậy, tượng thờ Pháp Vân Phật vừa là thần Mây vừa là Bồ Tát, Phật lại mang hình ảnh người con gái cho thấy đã có sự kết hợp đa sắc màu giữa tín ngưỡng bản địa với Phật giáo để tạo nên một pho tượng Phật Pháp Vân mang tính địa phương hóa nhưng luôn giữ vững tinh thần Từ, Bi, Hỷ, Xả.