Tượng Voi Phục

Tượng Voi Phục nằm ở cổng đền gồm hai con nằm ở bên trái và bên phải đang nằm (phục) xuống trong đền. Đây là một hiện vật biểu tượng nên người ta hay gọi đền này là đền Voi Phục (tên khác Đền Linh Lang). Hai bức tượng này gắn với huyền tích được lưu truyền trong dân gian, sau khi nhận đủ phẩm vật vua ban, Linh Lang hoàng tử thét lớn: “Ta là thiên tướng” và ngay sau đó con voi phủ phục xuống để hoàng tử ngự lên. Trên lưng voi, hoàng tử Linh Lang chỉ đạo hơn năm nghìn binh mã đánh thẳng vào nơi đóng quân của giặc. Tiếng voi gầm, ngựa hí cùng khí thế hào hùng của quân ta đã khiến giặc Tống sợ hãi phải bỏ cả gươm giáo để chạy thoát thân.

Như vậy, tượng Voi Phục mang ý nghĩa cho sự khuất phục, phục tùng, vâng lệnh… của con voi trước một tướng lĩnh để đi đánh giặc xâm lăng. Pho tượng được tạo ra vừa là thể hiện tích sử trên, vừa để ghi nhớ công lao của Linh Lang hoàng tử cùng chú voi đã cùng đánh giặc. Voi còn là tiêu biểu cho sức mạnh chiến đấu, với khí thế hùng hồn, ta có thể thấy từ hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đi đánh giặc. Nằm trong Tứ Trấn của Thăng Long, tượng Voi Phục có thể xem là vị thần làm nhiệm vụ canh giữ đất nước, chốn linh thiêng bất khả xâm phạm, vừa mang ý nghĩa phục tùng trước sức mạnh dũng khí của những con người xả thân vì dân tộc, đất nước.

Tượng Voi Phục là một biểu tượng thiêng liêng của đền Voi Phục.