Nhà lưu niệm 48 Hàng Ngang

01/01/2022

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân. Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu trở về Hà Nội và ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại ngôi nhà này từ ngày 25 tháng 8 đến đầu tháng 9 năm 1945. Tại đây Người cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại trong tình hình mới; về thể chế và thành phần của Chính phủ mới, về tổ chức ngày lễ Độc lập…Tại một căn phòng ở gác 2 của ngôi nhà này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử, bởi nơi đây đã gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, đến nay, kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Hiện tại tầng 1, phòng ngoài được dùng làm nơi trưng bày các di ảnh, đồ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc lão thành cách mạng. Trên tầng 2 nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương được giữ nguyên nội thất, với những hiện vật đã có, trong đó đặt ở giữa chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián, xung quanh là 8 ghế tựa, một ghế lớn ở đầu, đều bọc nỉ xanh, phủ khăn trắng và một bàn nhỏ đặt một chiếc máy chữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sử dụng.

Nhà số 48 phố Hàng Ngang được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa theo Quyết định số 54 VH/QĐ ngày 29-4-1979.