Chùa Keo Gia Lâm

10/01/2022

Chùa Keo có từ đầu thế kỷ XVII. Tên chữ: Báo Ân Trùng Nghiêm Tự. Thờ: Pháp Vân (Bà Keo). Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 2XGR+PH, thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, H. Gia Lâm, TP Hà Nội.

Chùa Keo thờ nữ thần Pháp Vân như chùa Dâu nhưng đã được địa phương hoá thành bà Keo. Từ trước đến nay cả làng Chè và làng Keo (tên chữ: thôn Giao Tất) chỉ có chung một ngôi chùa này. Tên Keo theo truyền thuyết có ý nghĩa rằng hai thôn Giao Tự và Giao Tất kết dính với nhau chặt chẽ như keo sơn. Nơi đây vốn có hai nghề truyền thống là nấu keo dán bằng da trâu và làm vàng điệp để sơn son thếp vàng. Hàng năm trong dịp hội làng Keo nhân dân vẫn tổ chức lễ rước kiệu thành hoàng từ đình lên chùa.

Theo truyền thuyết chùa được xây từ đầu công nguyên, sau khi chùa Dâu ra đời. Chắc chắn thì chùa đã trải qua hơn 4 thế kỷ, những lần trùng tu lớn còn được ghi rõ trên các tấm bia cổ có niên đại 1611, 1638, 1787… Trải qua nhiều cuộc chiến và biến động xã hội, sách sử trong chùa không còn. Ngày 21-06-1993, chùa được xếp hạng là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 1995, Thành hội Phật giáo Hà Nội bổ nhiệm Đại đức Quảng Thiện làm sư trụ trì chùa Keo.

Trong kháng chiến chống Pháp chùa Keo bị hư hại nặng vì bom đạn giặc, cho nên từ năm 1953 đến gần đây đã được trùng tu vài lần nhưng không còn nguyên vẹn như cũ. Xưa kia trước chùa là một cầu đá rồi đến tam quan 2 tầng 8 mái đồ sộ với bia đá to ở hai bên. Hiện nay chỉ có một cái cổng đơn giản gồm một cửa sắt lớn ở giữa hai cửa nhỏ hẹp, bên trên và dọc cột gạch có các chữ Hán đắp nổi bằng vữa.

Chùa có tất cả 47 pho tượng Phật giáo, phần lớn mang phong cách nghệ thuật của các thế kỷ XVII, XVIII. Đáng lưu ý pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn đặt ở gian bên phải toà tam bảo là một tác phẩm của thế kỷ XVII và tượng nữ thần Pháp Vân hay bà Keo mặt đỏ được đặt sâu trong khám thờ ở hậu cung của thượng điện là từ thế kỷ XVIII. Ngoài ra còn có các tượng mới tô, chủ yếu được bày ở toà tiền đường và toà tam bảo.

Bên cạnh hệ thống tượng, chùa Keo hiện còn giữ được 6 bia đá cổ, trong đó tấm bia ghi niên hiệu Hoằng Định 15 (năm 1615, đời vua Lê Kính Tông), một quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh (1794, thời Tây Sơn), một khánh đồng, 8 đạo sắc phong cùng nhiều đồ thờ tự, nhiều mảng chạm mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê.