Khu di tích Cổ Loa

01/01/2022

Khu di tích Cổ Loa bao gồm một cụm các đình đền và di tích khảo cổ học thành Cổ Loa gắn với truyền thuyết lịch sử bi hùng đã sống trong lòng dân tộc ta suốt 23 thế kỷ qua về vị vua Thục Phán An Dương Vương kiêu dũng và nàng công chúa Mỵ Châu dại khờ. Diện tích bảo tồn của khu di tích quốc gia đặc biệt này hiện nay rộng gần 500ha.

Đình Ngự Triều nằm trong khối di tích còn lưu giữ tấm hoành phi đề 4 chữ Hán “Ngự triều di quy”, tương truyền vua tôi Thục Phán thường họp bàn việc nước ở đây. Sân đình khá rộng và góc trái được một cây đa lớn che mát. Cạnh gốc đa là am Bà Chúa, bên trong thờ một tảng đá hình người cụt đầu, tượng trưng nàng công chúa đã chết thảm bởi tay cha mà vẫn còn mang tiếng nhẹ dạ mắc mưu Triệu Đà làm cho nước mất nhà tan.

Áp bờ tường vào lưng đình Ngự Triều là ngôi chùa Bảo Sơn, kiến trúc hiện nay mang dáng dấp phong cách thời Nguyễn. Chùa nằm trong một khu vườn um tùm bóng cây, mé bên phải có những tháp mộ cổ của các sư tổ. Những bức tường dài vây kín đình và chùa, xung quanh nhà dân lô nhô mọc lên khá cao và các dây điện lại chăng quá thấp nên che khuất tầm nhìn từ xa.

Từ đền thờ Cao Lỗ du khách đi thẳng theo con đường lớn khoảng 100m thì tới đền Thượng nằm trên gò đất cao, thế rất đẹp, tương truyền là nền nội cung ngày xưa của An Dương Vương. Đến nay vẫn chưa rõ đền xây từ bao giờ, chỉ biết đã sửa chữa lại vào năm 1687 và 1893. Ðền được đại trùng tu gần đây.

Trước cửa đền là giếng Ngọc, theo truyền thuyết, nơi đây chàng rể-gián điệp Trọng Thuỷ đã tự tử sau cái chết oan khiên của vợ mình. Trong đền có tượng An Dương Vương bằng đồng hun được đúc năm 1897, nhưng đôi rồng đá ở bậc thềm là di vật từ đời Trần hoặc Lê sơ. Ngoài ra còn có chiếc trống đồng rất cổ được phát hiện tại gò Mả Tre năm 1982.

Đền Thượng tức đền An Dương Vương chiếm vị trí di tích trung tâm trong khu thành Cổ Loa. Tương truyền, những doi đất dài xung quanh làng chính là các đoạn sót lại của bức tường luỹ hình xoắn ốc 9 vòng. Ðây là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được An Dương Vương xây từ thế kỷ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc.

Trong cụm di tích còn có một miếu nhỏ thờ Kim Quy, vị thần từng giúp Thục Phán xây thành, làm nỏ liên châu và kết tội Mỵ Châu bằng câu nói: “địch ngồi sau lưng ngài đấy”. Chuyện cổ kể rằng nàng tin lời Trọng Thuỷ, không những đã đưa cho chồng xem lẫy nỏ để rồi bị đánh tráo, mà còn lấy lông ngỗng rắc dọc đường cùng vua tháo chạy, địch cứ thế đuổi theo.

Hội đền Cổ Loa cử hành hằng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng và kéo dài trong khoảng 10 ngày.

Tháng 4-2011, Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội đã đề xuất UBND TP Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu di tích Cổ Loa là Di sản văn hóa thế giới.