Đình Khúc Thủy (Thanh Oai)

01/01/2022

Đình làng Khúc Thủy, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội còn lưu giữ được những giá trị về điêu khắc, kiến trúc truyền thống qua kết cấu không gian tổng thể một kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng; những thành tựu tiếp thu từ truyền thống của mỹ thuật dân tộc qua tạo tác đồ thờ tự. So với các di tích khác trong xã và vùng lân cận, đình Khúc Thủy còn lưu giữ được nhiều di vật quý với những tạo tác nghệ thuật đẹp mắt.

Theo sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX”, thôn Khúc Thủy xưa gọi là xã Khúc Thủy, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng; sau này gọi là làng Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (năm 1965 là tỉnh Hà Tây, năm 1975 là tỉnh Hà Sơn Bình, năm 1992 trở về tỉnh Hà Tây, từ tháng 8/2008 đến nay là thành phố Hà Nội). Làng Khúc Thủy nằm ở ngã ba hợp lưu của sông Nhuệ và sông Hòa Bình. Theo phong thủy thì đây là vùng địa linh giao hòa, mọi linh khí trời đất, âm dương đối đãi. Xung quanh vùng ngã ba còn có nhiều gò đống có tên linh thiêng như gò “Họng rồng”. Hai mắt của rồng là hai dòng sông phía trước. Vùng địa linh có đình, có đường cái quan, có chợ giao thương hàng hóa sầm uất nên dân gian có câu ca: “Chợ Sái, đường cái quan, thành hoàng Khúc Thủy”. Và chính ngôi đình của làng được dựng trên gò đất “họng rồng”, tên gọi là đình Khúc Thủy. Khu di tích hiện diện ngày nay có những hạng mục: cổng mã, hai dãy tả, hữu vu, ngôi nhà phương đình, đại bái và hậu cung. Những công trình trên tập hợp thành tổng thể với kiểu kiến trúc nội Công ngoại Quốc.

Cổng đình làm theo lối thức kiến trúc kiểu cổng mã, được trải dài giáp đường cái quan, soi bóng xuống dòng sông. Cổng đình có hai lớp kiến trúc bốn cột trụ biểu và hệ thống cửa mã hai bên. Nét độc đáo ở cổng này là sự hoành tráng về chiều ngang, chiếm hết chiều dài của ngôi đại bái. Những cột trụ lớn uy nghi đắp lồng đèn, tứ linh, chim phượng đầy sức mạnh. Khoảng cách giữa cột chính và cột phụ là mảng tường lửng đắp phù điêu con ngựa chiến tô vẽ màu hồng trong tư thế xung trận. Tiếp đó là cổng hai bên làm theo lối cửa mã cuốn vòm, chồng diêm hai tầng lợp dán ngói mũi. Tiếp nối là bức tường xây lửng bốn phía làm ranh giới cho khuôn viên nội tâm của khu di tích. Ở hai bên có nhà tả vu và hữu vu, dùng làm nơi đón tiếp khách và sửa lễ.

Những công trình chính là phương đình, đại bái và hậu cung có từ lâu đời, được tu bổ lớn vào thời Nguyễn muộn, như dòng chữ Hán trên thượng lương đình: năm Khải Định thứ 5 (1920) trùng tu. Kiến trúc bên ngoài các ngôi nhà cùng xây tường gạch bao quanh, mở cửa ra vào phía tường ruột, đầu hồi bít đốc, bờ nóc xây đắp bờ chữ Đinh, hai mái dốc chảy lợp ngói mũi. Kết cấu khung nhà có những hàng cột gỗ xẻ đầu để lắp câu đầu và bộ vì kiến trúc theo kiểu thức giá chiêng chồng rường con nhị, kẻ bẩy. Đặc điểm điêu khắc nghệ thuật thể hiện trên nhiều bức cốn, mỗi gian đều có cửa võng chạm trổ những tiêu bản hình rồng, phượng với hoa văn mây xoắn, lá lật và lá cúc theo phong cách trang trí đình làng thời Nguyễn vùng đồng chiêm. Ngôi nhà hậu có kiến trúc bộ khung nhà quy mô nhỏ bé theo lối bộ vì của đại bái, thiên về bào trơn đóng bén. Điêu khắc trang trí nghệ thuật thể hiện trên cửa võng, hoành phi, câu đối, đồ tế tự ở ban thờ thần thành hoàng.

Đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: kiệu bát cống, hương án, ngai bài vị, bát hương, thần phả, những đạo sắc phong, trong đó, có đạo sắc của triều Lê ban tặng mỹ tự cho Trần Thông là thượng đẳng phúc thần.

Với những giá trị của mình, đình Khúc Thủy được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1991.