Đền Và

01/01/2022

Nơi đây thờ thần núi Tản Viên, vị thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền Và đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1964.

Đền Và thờ vị thần trong Tứ Bất Tử của truyền thuyết nước Nam, đó là Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên, vị tổ của bách thần, còn gọi là Nam Thiên Thần Tổ. Theo tấm văn bia dựng vào năm Tự Đức thứ 36 (1883) tại đền thì đền Và được xây dựng từ đời Hùng Vương thứ XVIII. Đền Và được xây dựng trên một khu đồi tĩnh mịch, có diện tích khoảng 17.500m2, xung quanh có nhiều cây lim cổ thụ. Khuôn viên của đền rộng khoảng 2.000m2, được bao quanh bằng tường đá ong cao 2,15m. Kiến trúc của đền theo kiểu “nội công ngoại quốc”, có hai dãy nhà 5 gian, thông gian giữa bằng “ống muống” tạo thành hình chữ “công”. Cho đến nay, nhà tiền tế đã trải qua 3 lần tu sửa lớn: tu tạo năm 1829 (Minh Mạng thứ 10), đại tạo năm 1902 (Thành Thái thứ 14) và lại tu tạo năm 1932 (Bảo Đại thứ 7).

Hàng năm, Đền Và mở hội mùa Xuân vào ngày rằm tháng Giêng (từ 13 đến 15 âm lịch) và hội mùa Thu vào ngày rằm tháng chín (từ 14 đến 15 âm lịch). Nghi lễ chính của hội mùa Xuân là rước long ngai bài vị “Tam vị Đức Thánh Tản” từ đền Và qua sông Hồng sang tả ngạn ở đền Dội (xã Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) – là nơi theo truyền thuyết Thánh Tản Viên đã tắm để tế lễ – diễn lại sự tích này rồi quay trở lại đền Và.