Chùa Bồ Đề

01/01/2022

Chùa Bồ Đề tọa lạc trên một bãi bồi ven sông Hồng ở ngoài đê bên bờ Bắc phía hạ lưu, gần chân cầu Chương Dương, trước kia thuộc địa bàn thôn Phú Viên, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 2, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.

Chùa Bồ Đề có tên chữ là “Thiên Sơn Tự” hay “Thiên Cổ tự” là một ngôi chùa cổ có lịch sử xây dựng lâu đời. Theo truyền tích ở địa phương, tên nôm của chùa là Bồ Đề đã xuất hiện từ thời Lý, bởi nơi đây có 2 cây Bồ đề lớn đối xứng qua sông Hồng là tháp Báo Thiên ở Kinh thành Thăng Long.

Chùa chính với kiến trúc có hai phần là Tiền đường và Thượng điện kết cấu liền nhau theo lối chữ Đinh.

Tiền đường có 5 gian 2 chái, có 4 mái làm đao cong các góc, lợp ngói ta, nền lát gạch. Nền chùa làm cao để tránh nước ngập mùa lũ với 11 bậc thềm, cao gần 2m, hai bên thềm có đôi Sấu đá mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Tiền đường kết cấu 6 hàng chân, vì thượng làm giá chiêng, trung kẻ chuyền, hạ là kẻ, riêng gian giữa làm cốn vì trung phía trước, phía sau là ván gió thông liền vào Hậu cung. Hiên bố trí suốt cả trước và hai bên Tiền đường, ở ngoài giáp mái có xây tường hoa lan can chắn, bên trong hiên có cửa dạng bức bàn cả ở trước và hai bên. Toàn bộ Tiền đường có khung bằng gỗ Tứ thiết. Trên nóc Tiền đường có ghi niên đại trùng tu chùa năm Nhâm Dần (1902). Thượng điện của chùa làm mái vòm cuốn bê tông, bên ngoài có xây thành 3 lầu gác Chuông, mái làm đao 2 tầng chồng diêm tạo cho kiến trúc bớt nặng nề. Hậu cung đã được sửa lại sau chiến tranh. Tại Tiền đường có các tượng thờ Phật gồm: Đức Ông, Thánh Tăng cùng Diệm Nhiên, Đại sĩ ở Tiền đường. Tam bảo có các tượng: Tam thế, A Di Đà, Văn Thù- Phổ Hiền, Di Đà giảng đạo, A Na Ca Diếp, Ngọc Hoàng, Cửu Long; ở hai bên Tam Bảo có tượng Địa Tạng và Quan Âm. Hầu hết các tượng Phật ở chùa được tạo tác ở thời Nguyễn.

Chùa Bồ Đề luôn được chọn là một trụ sở đào tạo, học hành của Thành hội Phật giáo Hà Nội.