Tượng Bạch Mã
Tượng Bạch Mã (Ngựa trắng) được thờ trong đền Bạch Mã và nó gắn liền với tích vua Lý Thái Tổ được thần Long Đỗ làm mộng báo rằng, sẽ có con ngựa trắng từ đền đi theo hướng Tây rồi vòng về hướng Đông rồi trở về điểm xuất phát, nhà vua cứ cho xây dựng theo vết chân ngựa để lại thì sẽ không bị sụt lở nữa.
Thật vậy, sau khi đắp thành thành công, vua Lý Thái Tổ đã tạc tượng ngựa trắng để thờ và sắc phong cho thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương, tức là Thành hoàng của cả thành Thăng Long. Ngôi đền từ đó còn được gọi là Đền Bạch Mã.
Như vậy, trong lịch sử xây dựng thành, hình ảnh ngựa trắng là một hình ảnh biểu tượng cho sự định hình lãnh thổ, khẳng định chủ quyền và bảo vệ đất nước (vết chân ngựa) của cha ông ta.
Tượng Bạch Mã ngoài ý nghĩa về lịch sử, trong văn hóa của người Việt còn tượng trưng cho Mặt trời, thời gian – gắn liền với tín ngưỡng truyền thống nông nghiệp của dân tộc ta trong lịch sử. Là một sự dung hòa của tín ngưỡng và thần thoại vào lịch sử để tạo nên tục thờ thần, trong đó có tượng Bạch Mã gắn với thần Long Đỗ. Hiện nay, tượng được thờ ở trong đền Bạch Mã, là một biểu tượng linh thiêng.